Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Trường 1961-2021, Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và Khai giảng năm học mới 2021-2022
21/11/2021
Sáng ngày 20/11/2021, Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường, kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và khai giảng năm học mới 2021-2022.
TS. Nguyễn Hồng Diên – UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương phát biểu chúc mừng Nhà trường trong buổi Lễ
Đến tham dự buổi lễ có sự hiện diện của TS. Nguyễn Hồng Diên - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương, TS. Phạm Vũ Quốc Bình– Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN - Bộ LĐTBXH, ông Trần Quang Huy Chủ tịch Công Đoàn Công thương Việt Nam, đại diện các đơn vị thuộc bộ Công Thương, Tổng cục GDNN, Công đoàn Công Thương Việt Nam, đại diện lãnh đạo các cơ quan Huyện Thanh Trì, xã Tả Thanh Oai, phường Trung Hòa, các tổ chức, doanh nghiệp, các trường bạn, các cơ quan truyền thông, đài báo chí của ngành và Hà Nội. Về phía nhà trường, có sự hiện diện của NGND.TS. Hà Xuân Quang – Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường cùng các đồng chí trong Đảng ủy, Ban Giám hiệu, các đồng chí nguyên lãnh đạo nhà trường, đại diện Công đoàn, Đoàn Thanh niên, hội CCB, đại diện cựu CBGV, HSSV, cùng toàn thể cán bộ giảng viên, HSSV đang học tập, làm việc tại trường tham dự trực tiếp và trực tuyến.
Trụ sở nhà trường tại Chèm năm 1961
Cách đây 60 năm, Trường Trung cấp nghiệp vụ - Bộ Công nghiệp nặng, tiền thân của Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội ngày nay, đã được thành lập theo quyết định số 319 ngày 7 tháng 8 năm 1961 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, cơ sở Nhà trường đặt tại Chèm - Từ Liêm– Thành phố Hà Nội. Đến năm 2006, Nhà trường được nâng cấp thành Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội trên cơ sở Trường Trung học kinh tế - Bộ Công nghiệp theo Quyết định thành lập số 1206/QĐ - BGĐT ngày 14 tháng 3 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Từ một cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chỉ có vài chục cán bộ, giáo viên với cơ sở vật chất đơn sơ, quy mô một vài trăm học viên ở một số ít ngành, nghề đào tạo trong những ngày đầu thành lập, đến nay Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội đã trở thành một trong những cơ sở đào tạo có uy tín của ngành Công Thương và cả nước với trên 200 cán bộ, giảng viên; quy mô đào tạo trên 4.000 học sinh, sinh viên ở hàng chục ngành, nghề, trình độ khác nhau (từ sơ cấp đến cao đẳng).
Nhà giáo Nhân dân, Tiến sĩ Hà Xuân Quang- Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi lễ, trong bối cảnh dịch Covid-19 với nhiều khó khăn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội – Nhà giáo Nhân dân, Tiến sĩ Hà Xuân Quang - khẳng định, nhà trường vẫn nỗ lực duy trì các hoạt động và quyết tâm đổi mới, đưa nhà trường vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, nhờ thực hiện nhiều giải pháp đổi mới trong tuyển sinh, đa dạng hóa, đổi mới cơ cấu ngành nghề, loại hình đào tạo… kết quả tuyển sinh phục hồi và tăng nhanh đạt tốc độ 15-20%/năm, riêng tuyển sinh cao đẳng có năm tăng trên 40%. Năm học 2021-2022, mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng nhà trường vẫn hoàn thành chỉ tiêu, tuyển trên 1.500 học sinh, sinh viên, tăng 16% so với năm học 2020-2021.
Tiếp nối truyền thống 60 năm xây dựng và phát triển, kế thừa kết quả, tiền đề của 5 năm qua, nhà trường đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nhiều ngành nghề, nhiều trình độ, hoạt động theo mô hình cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, tự chủ, đạt chuẩn trường chất lượng cao, nằm trong top 100 cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao của Đất nước. "Dù nhiệm vụ đặt ra hết sức nặng nề cho giai đoạn tới, song lãnh đạo nhà trường tin tưởng sẽ hiện thực hóa mục tiêu đề ra, tiếp tục phát triển mạnh mẽ, có vị thế ngày càng cao trong hệ thống các trường của Bộ Công Thương và đất nước".
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh trống khai giảng năm học 2021 - 2022
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương đã biểu dương và ghi nhận những thành tích mà thầy và trò nhà trường đạt được trong 60 năm qua. Đặc biệt, Bộ trưởng ghi nhận sự nỗ lực, quyết liệt, mạnh mẽ của nhà trường trong việc đa dạng hóa, chuyển đổi cơ cấu, ngành nghề, trình độ, loại hình và hình thức tổ chức đào tạo. Nhờ vậy, trường đã vượt qua được giai đoạn khó khăn, chặn đà suy giảm về số lượng tuyển sinh và nhanh chóng phục hồi quy mô đào tạo; chất lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường được nâng lên, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của các doanh nghiệp.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh tế số đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ, mang lại những thời cơ, thuận lợi nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức. Đại dịch Covid-19 còn có thể diễn biến phức tạp, tác động bất lợi đến mọi mặt đời sống xã hội. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội cũng không nằm ngoài xu thế và sự tác động đó.
Để thực hiện mục tiêu đào tạo nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện thật tốt các quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các chủ trương, chính sách có liên quan về đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng giảng dạy và chú trọng thực hành. Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế trong Nhà trường (như Đảng ủy, Ban giám hiệu và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội), đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong tình hình mới, nhằm xây dựng và phát triển Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội trở thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, đào tạo đa ngành, nghề như mục tiêu trong chiến lược phát triển của Nhà trường đã đề ra.
Hai là, tiếp tục đổi mới đồng bộ cả về nội dung, chương trình và phương thức, phương pháp giáo dục, đào tạo theo hướng gắn lý thuyết với thực hành và ứng dụng; lấy người học làm trung tâm, gắn kết chặt chẽ giữa việc đào tạo với đáp ứng tốt nhu cầu thực tiễn của xã hội và thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chú trọng đầu tư, khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy, học hiện đại; đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập, tiến tới vận hành nhà trường theo mô hình trường học số để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và của Bộ Công Thương.
Ba là, tăng cường phát triển hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp, các trường đại học, cao đẳng trong nước và quốc tế để nhanh chóng tiếp cận với trình độ đào tạo chuẩn của khu vực, nghiên cứu khoa học và sản xuất, kinh doanh tiên tiến, hiện đại, qua đó gắn đào tạo của nhà trường với nhu cầu thực tiễn và huy động các nguồn lực xã hội để bổ sung cơ sở vật chất, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, hỗ trợ sinh viên và xây dựng các chương trình đào tạo mới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nhà trường.
Bốn là, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học gắn với công tác giảng dạy và học tập; khuyến khích nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng chuẩn cho các doanh nghiệp, ngành công nghiệp có tính chất nền tảng (như công nghiệp hỗ trợ, vật liệu, hóa chất, chế tạo, chế biến và điện tử), góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững của nhà trường, của ngành và của đất nước.
Năm là, bên cạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo về chuyên môn, Nhà trường cần chú trọng xây dựng môi trường, điều kiện học tập, rèn luyện, giải trí lành mạnh; tăng cường giáo dục, bồi dưỡng về truyền thống, lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh, sinh viên, giúp các em hiểu biết sâu sắc và trân trọng các giá trị truyền thống, lịch sử của Nhà trường, ngành và của Đảng, đất nước, dân tộc; từ đó nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên, phát triển toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ, tạo nền tảng vững chắc để khi ra trường các em trở thành những con người trung thực, nhân văn, vừa có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao để công tác, làm việc hiệu quả, vừa có lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần trách nhiệm cao đối với đất nước, với xã hội.
Lãnh đạo cấp trên chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo nhà trường
Phát biểu cảm ơn và tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội hứa, tập thể cán bộ, giảng viên, học sinh sinh viên Nhà Trường sẽ tiếp nối truyền thống 60 năm xây dựng và phát triển, kế thừa kết quả, tiền đề của 5 năm qua, quyết tâm hiện thực hoá mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra. Triển khai thực hiện nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng.
Một số hình ảnh buổi Lễ và hình ảnh Bộ trưởng Bộ Công Thương thăm và làm việc với Trường.
Ông Trần Quang Huy Chủ tịch Công Đoàn Công thương Việt Nam trao bằng khen cho các đơn vị, cá nhân có thành tích cao trong năm học 2020-2021
Bộ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Hồng Diên thăm và làm việc với nhà trường
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng lãnh đạo Tổng cục GDNN chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Nhà trường
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng lãnh đạo Tổng cục GDNN thăm phòng học thực hành nghề của Nhà trường
Bài viết và ảnh: Ban truyền thông - HIEC