Chuẩn đầu ra Ngành Tài chính Ngân hàng - Trình độ Cao đẳng
24/12/2020
CHUẨN ĐẦU RA CỦA SINH VIÊN
TỐT NGHIỆP NGHỀ TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG
Tên ngành, nghề |
: Tài chính - Ngân hàng |
Mã ngành, nghề |
: 6340202 |
Trình độ đào tạo |
: Cao đẳng |
Hình thức đào tạo |
: Chính quy |
Đối tượng tuyển sinh |
: Tốt nghiệp trung học phổ thông |
Thời gian đào tạo |
: 3 năm |
1. Giới thiệu chung về ngành, nghề
Tài chính - Ngân hàng là ngành nghề liên quan đến các dịch vụ giao dịch, luân chuyển tiền tệ thông qua ngân hàng, các tổ chức tín dụng và các công cụ tài chính của ngân hàng phát hành trong phạm vi nội địa và quốc tế; lĩnh vực tài chính tại các doanh nghiệp.
Nghề Tài Chính - Ngân hàng là nghề thực hiện các công việc: nghiệp vụ huy động vốn, nghiệp vụ tín dụng (cho vay, chiết khấu, bảo lãnh, bao thanh toán, tài trợ nhập khẩu, tài trợ xuất khẩu), nghiệp vụ thanh toán, kế toán ngân hàng thương mại, nghiệp vụ kho quỹ, xử lý rủi ro tín dụng, thẩm định giá tài sản và giá trị doanh nghiệp, phân tích và quản trị tài chính, môi giới chứng khoán.
Nghề Tài chính - Ngân hàng trình độ Cao đẳng đòi hỏi các kỹ năng mềm cần thiết để đáp ứng nhu cầu của công việc như kỹ năng giao tiếp với khách hàng, giới thiệu sản phẩm, thuyết phục khách hàng, kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng tin học, kỹ năng quản lý thời gian, tư duy phản biện, kỹ năng phân tích, làm việc theo nhóm… để đáp ứng yêu cầu của từng vị trí công việc và yêu cầu làm việc trong môi trường đầy năng động và giàu tính cạnh tranh và toàn cầu hóa. Ngoài ra, cần phải thường xuyên học tập để nâng cao khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ, mở rộng kiến thức xã hội; rèn luyện tính cẩn thận, chi tiết, rõ ràng; xây dựng ý thức nghề và sự say mê nghề.
Để hành nghề, người lao động phải có sức khỏe tốt, đạo đức nghề nghiệp tốt, có đủ kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề đáp ứng với vị trí công việc. Ngoài ra, cần phải thường xuyên học tập để nâng cao khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ, mở rộng kiến thức xã hội; rèn luyện tính cẩn thận, chi tiết, rõ ràng; xây dựng ý thức nghề và sự say mê nghề.
Người học sau khi tốt nghiệp nghề Tài chính- Ngân hàng trình độ Cao đẳng phải đáp ứng yêu cầu bậc 5 trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Khối lượng kiến thức tối thiểu là 2.190 giờ (tương đương 92 tín chỉ).
2. Kiến thức
- Trình bày được những kiến thức cơ bản về Chủ nghĩa Mác Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; giáo dục thể chất và giáo dục quốc phòng theo quy định;
- Trình bày được kiến thức về tin học, ngoại ngữ và vận dụng được trong công tác tài chính, ngân hàng;
- Nêu được kiến thức về pháp luật, kinh tế- xã hội, tài chính doanh nghiệp, thuế và vận dụng được trong việc thực hiện nghiệp vụ tài chính, nghiệp vụ ngân hàng được giao;
- Trình bày được những kiến thức cơ bản về kinh tế, tài chính (Bản chất, chức năng, các nghiệp vụ của Ngân hàng thương mại; bản chất tiền tệ, cung cầu tiền tệ ngân hàng, các loại lãi suất; phương thức hoạt động của thị trường tài chính);
- Trình bày được đối tượng nộp thuế, đối tượng chịu thuế, căn cứ và phương pháp tính thuế, đăng ký, kê khai, nộp thuế của các sắc thuế: Thuế giá trị gia tăng, Thuế tiêu thụ đặc biệt, Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế thu nhập cá nhân;
- Trình bày được các tài khoản, nguyên tắc, phương pháp hạch toán kế toán các phần hành trong doanh nghiệp;
- Trình bày được nội dung quản lý vốn cố định, vốn lưu động; nội dung quản lý chi phí sản xuất, giá thành, doanh thu và lợi nhuận trong doanh nghiệp;
-Trình bày được các phương pháp phân tích tình hình tài chính và nội dung phân tích tình hình tài chính doanh nghiệp, phương pháp đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư và công tác định giá tài sản;
- Trình bày được đặc điểm, vai trò của tài chính quốc tế, phương pháp xác định tỷ giá hối đoái, phương pháp chuyển giá và xác lập cán cân thanh toán quốc tế, các nghiệp vụ chủ yếu của thị trường tài chính quốc tế; phương thức huy động vốn, cấp tín dụng và hoạt động thanh toán toán nội địa và thanh toán quốc tế trong ngân hàng thương mại;
- Nêu được tầm quan trọng của khách hàng đối với hoạt động của ngân hàng và các kỹ năng cơ bản trong kinh doanh ngân hàng;
- Nêu được cách thức kiểm đếm, đóng gói và nguyên tắc thu chi tiền mặt khi có yêu cầu của khách hàng và các bộ phận khác có liên quan;
- Liệt kê, mô tả được các biểu mẫu, chứng từ ngân hàng liên quan đến các nghiệp vụ huy động vốn, nghiệp vụ thanh toán, nghiệp vụ tín dụng, kho quỹ, thẩm định tín dụng, xử lý nợ;
- Liệt kê được quy trình thực hiện các nghiệp vụ huy động vốn, nghiệp vụ thanh toán, nghiệp vụ tín dụng, kho quỹ, thẩm định tín dụng, xử lý nợ.
3. Kỹ năng:
- Xác định đúng nghĩa vụ thuế của đối tượng nộp thuế và tính toán các loại thuế phải nộp đối với Thuế giá trị gia tăng, Thuế tiêu thụ đặc biệt, Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế thu nhập cá nhân;
- Hạch toán được các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong doanh nghiệp;
- Tính được chi phí sử dụng vốn, giá trị các dòng tiền, từ đó đánh giá và lựa chọn các dự án đầu tư;
- Phân tích được tình hình tài chính trong doanh nghiệp: tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí, lợi nhuận. Từ đó đề xuất được các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp;
- Lập được các kế hoạch tài chính: Chi phí, giá thành, khấu hao TSCĐ, doanh thu, lợi nhuận, xác định nhu cầu vốn;
- Định giá được các tài sản: Bất động sản, máy móc thiết bị, giá trị doanh nghiệp và thực hiện đúng quy trình định giá tài sản;
- Thực hiện được các giao dịch thanh toán ngoại tệ thông qua quy đổi tỷ giá hối đoái với các ngân hàng thương mại, thực hiện được quy trình chuyển tiền thanh toán trong nước và quốc tế;
- Lập, phân loại, kiểm tra được các biểu mẫu, chứng từ ngân hàng liên quan đến các nghiệp vụ huy động vốn, nghiệp vụ thanh toán, nghiệp vụ tín dụng kho quỹ, thẩm định tín dụng, xử lý nợ;
- Thu thập thông tin và đánh giá chất lượng khách hàng để cung cấp các sản phẩm tín dụng phù hợp cho từng đối tượng khách hàng cụ thể;
- Thực hiện đúng các bước trong qui trình cấp tín dụng cá nhân và doanh nghiệp: lập hồ sơ, phân tích và thẩm định hồ sơ của khách hàng; xác định mức cho vay; phối hợp với chuyên viên phòng ban khác để định giá tài sản đảm bảo; kiểm tra khoản vay và thu nợ;
- Thực hiện được các công việc theo các bước trong qui trình của nghiệp vụ huy động vốn, nghiệp vụ thanh toán;
- Ứng dụng được phần mềm Word, bảng tính ecxel, powerpoint và các ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc của ngành, nghề;
- Sử dụng được ngoại ngữ cơ bản, đạt bậc 2/6 trong Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam; ứng dụng được ngoại ngữ vào một số công việc chuyên môn của ngành, nghề;
- Hình thành các kỹ năng mềm: giao tiếp, quản lý thời gian, lập kế hoạch… trong giao dịch kinh doanh Ngân hàng.
4. Mức độ tự chủ và trách nhiệm
- Chấp hành nghiêm nội quy, quy định làm việc của doanh nghiệp;
- Có ý thức trách nhiệm trong công việc, trong sử dụng, bảo quản tài sản của doanh nghiệp;
- Có khả năng làm việc độc lập, làm việc nhóm, đánh giá kết quả thực hiện công việc của bản thân và của nhóm;
- Có trách nhiệm trong hướng dẫn, giám sát công việc của người liên quan để thực hiện đúng qui trình công việc được giao;
- Tự chịu trách nhiệm về công việc của mình theo nguyên tắc an toàn nghề nghiệp và đạo đức nghề nghiệp;
- Tự cập nhật những quy định mới và kiến thức mới trong lĩnh vực công tác;
- Có ý thức học tập, rèn luyện và nâng cao trình độ chuyên môn.
5. Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp:
Sau khi tốt nghiệp người học có năng lực đáp ứng các yêu cầu tại các vị trí của ngành, nghề, bao gồm:
- Giao dịch viên
- Nhân viên quan hệ khách hàng cá nhân (tín dụng cá nhân)
- Nhân viên quan hệ khách hàng doanh nghiệp (tín dụng doanh nghiệp)
- Chuyên viên tài chính
- Chuyên viên giao dịch và thanh toán
6. Khả năng học tập, nâng cao trình độ
- Khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp ngành, nghề Tài chính - Ngân hàng, trình độ Cao đẳng có thể giúp người học tiếp tục phát triển ở các trình độ cao hơn;
- Người học sau tốt nghiệp có năng lực tự học, tự cập nhật những tiến bộ khoa học công nghệ trong phạm vi ngành, nghề để nâng cao trình độ hoặc học liên thông lên trình độ cao hơn trong cùng ngành, nghề hoặc trong nhóm ngành, nghề hoặc trong cùng lĩnh vực đào tạo.