Trường cao đẳng kinh tế công nghiệp Hà Nội

Hanoi College of Industrial Economics

HIEC.EDU.VN

Sinh viên có nên đi làm thêm?

10/01/2023

Hiện nay, đi làm thêm đang là xu hướng của sinh viên các trường cao đẳng và đại học. Đặc biệt ở các thành phố lớn, đi làm thêm là một nhu cầu lớn của sinh viên và của các doanh nghiệp, tổ chức.

Với rất nhiều lý do khác nhau của việc đi làm thêm, nhưng chủ yếu là để kiếm tiền cho các khoản chi tiêu hàng tháng. Việc đi làm thêm mang lại cho sinh viên những lợi ích và những bất cập nhất định.

Về mặt lợi ích:

Sinh viên được giao tiếp rộng hơn bên ngoài xã hội, điều này giúp cho họ có thêm sự tự tin và mạnh mẽ, rất có ích cho công việc, cuộc sống sau này. Có thể coi công việc làm thêm của sinh viên là một nơi học tập mà nhà trường không thể dạy được. Bên cạnh đó họ có thể rèn luyện thêm những kỹ năng mà họ đã được học trên giảng đường nhưng chưa có cơ hội thực hành. Ví dụ, sinh viên ngành quản trị kinh doanh, marketing, họ sẽ hiểu biết hơn về cách giao tiếp với khách hàng, hiểu hơn về tâm lý khách hàng, cách quản lý nhân viên của người chủ. Với sinh viên ngành quản trị văn phòng, họ sẽ biết cách sử dụng các thiết bị văn phòng.

Thêm vào đó, sinh viên biết cách quản lý thời gian, tài chính của bản thân mình. Sau khi đi làm thêm, sinh viên phần nào đó biết cân đối thời gian giữa việc học, làm thêm và nghỉ ngơi. Hiểu được giá trị của đồng tiền để có cách chi tiêu hợp lý.

Một điều nữa là hầu hết sinh viên đều rảnh rỗi sau nửa ngày học ở trường. Vì thế nhiều sinh viên tìm cho mình một công việc làm thêm, không chỉ giúp cho họ có thêm một khoản thu nhập mà còn sử dụng có ích thời gian rảnh rỗi, tránh dùng thời gian nhàn rỗi này vào các việc không tốt như chơi điện tử quá nhiều, bài bạc.

Những bất cập:

Công việc ngoài xã hội không hề đơn giản như nhiều người nghĩ. Công việc đòi hỏi cường độ rất cao (chưa nói là khắc nghiệt) mà lương thì vô cùng ít ỏi. Với cường độ lao động cao, chắc chắn ảnh hưởng đến sức khỏe, bài vở vì thế phải xếp sau. Đây có thể coi là một trong những nguyên nhân khiến sinh viên phải thi lại, học lại. Nhưng nguy hiểm nhất chính là những mối hiểm họa bên ngoài xã hội mà không phải sinh viên nào cũng biết được (hoặc có biết được nhưng khó có thể tránh).

Những nhận xét ở trên chỉ mang tính chất tương đối bởi vì thực tế có rất nhiều sinh viên sắp xếp thời gian cho việc học và việc làm thêm hợp lý. Không những họ hạn chế được rất nhiều mặt trái của công việc làm thêm, mà còn thúc đẩy việc học ngày một tốt hơn. Đó có thể coi là những sinh viên năng động của thế hệ mới.

Tìm cho mình một công việc làm thêm phù hợp là rất nên vì những mặt tích cực ai cũng có thể nhận ra, nhất là những sinh viên có hoàn cảnh điều kiện khó khăn nhưng bên cạnh đó nên ghi nhớ:

- Công việc chính của sinh viên là học tập. Việc học ở giảng đường và với tấm bằng tốt nghiệp mới là hành trang để bước tiếp.

- Cần sắp xếp thời gian thật hợp lý. Rất khó có thể dung hòa được cả công việc, học tập và nghỉ ngơi. Nhưng nên nhớ cần ưu tiên cho việc học và thời gian nghỉ ngơi. Không nên làm công việc chiếm quá nhiều thời gian và công sức.

- Nên tạm dừng công việc làm thêm khi kỳ thi sắp đến hoặc giảm bớt thời gian làm thêm.

Tóm lại, sinh viên cần cân nhắc kĩ trước khi nhận một công việc làm thêm. Khi đã học đến năm cuối, ngoài việc cần tập trung cho các môn chuyên ngành, sinh viên nên bổ sung các kĩ năng mềm như kĩ năng giao tiếp, đàm phán, thuyết trình, giao tiếp tiếp anh, sử dụng thành thạo tin học văn phòng thì việc làm thêm nên xếp sau.

* Bài viết có sử dụng một số tài liệu tham khảo.

 

 

Bài viết cùng chuyên mục